Để đáp ứng cung cấp điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn tới, hiện EVN đang thực hiện nghiên cứu các kịch bản phát triển nguồn điện và phương án giải tỏa công suất dưới tác động của các chính sách khuyến kích đầu tư.
NewsScenarios For Development Of Power Sources And Grids Under The Impact Of Investment Promotion Policies
Dự thảo Quy hoạch điện VIII có những thay đổi cơ bản trong nguồn điện nhằm đáp ứng cam kết Net-zero. Trên cơ sở cơ cấu nguồn điện dự kiến được phê duyệt trong Quy hoạch, để đáp ứng cung cấp điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn tới, hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang thực hiện nghiên cứu các kịch bản phát triển nguồn điện và phương án giải tỏa công suất dưới tác động của các chính sách khuyến kích đầu tư.
Quy hoạch điện VII và VII (điều chỉnh):
Trải qua gần 10 năm triển khai thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành Điện Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng, đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Tổng công suất nguồn điện EVN đã đưa vào phát điện (giai đoạn 2011 - 2015) là 9.762 MW bằng 102% so với khối lượng được giao trong Quy hoạch điện VII (tại quyết định 1208/QĐ-TTg, EVN được giao đầu tư 22 nhà máy điện với tổng công suất 9.618 MW).
Trong giai đoạn 2016 - 2020, EVN và các đơn vị đã đưa vào vận hành 11 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.908 MW, bằng 82,2% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh (tại quyết định 428/QĐ-TTg, EVN được giao đầu tư và đưa vào vận hành 3 dự án/7.185 MW).
Như vậy, trong cả giai đoạn 2011 - 2020, EVN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ về đầu tư nguồn điện với tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ đầu tư nguồn điện tương đối cao (trên 93%).
Các nguồn điện chậm tiến độ chủ yếu do các nguồn điện do các chủ đầu tư ngoài EVN thực hiện.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII:
Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Quy hoạch điện VIII sẽ mang tính định hướng, mang tính mở, tạo ra không gian để huy động, phát huy các nguồn lực từ xã hội. Phương hướng trong thời gian tới là khai thác triệt để các nguồn năng lượng tái tạo, nhưng phải bảo đảm vận hành an toàn, kinh tế, bảo vệ môi trường; phát triển các ngành điện khí, khí hóa lỏng một cách hợp lý để ít phụ thuộc vào nguồn khí nhập khẩu, tạo được điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước tham gia vào quá trình sản xuất điện năng.
Để đảm bảo tính khả thi thực hiện, EVN có đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất: Đề nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện và ban hành các nghị định, thông tư và hướng dẫn đối với Luật số 03/2022/QH15 (sửa đổi, bổ sung một số Điều của 9 Luật), làm rõ nội dung Nhà nước độc quyền vận hành lưới truyền tải điện (chỉ xã hội hóa đối với hệ thống lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối nguồn điện và không mang tính chất kinh doanh như EVN đã nhiều lần kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương). Chính phủ cần ban hành quy định để Nhà nước quản lý, kiểm soát việc đầu tư vào lưới điện truyền tải của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, đảm bảo an ninh, an toàn năng lượng quốc gia. Đồng thời sớm hoàn thiện cơ chế, quy định trách nhiệm của nhà đầu tư là thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư trong việc tự vận hành, hoặc bàn giao vận hành lưới điện truyền tải cho các đơn vị ngành điện.
Thứ hai: Nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo (tạo hành lang pháp lý vững chắc cho đầu tư, vận hành năng lượng tái tạo, phát triển chuỗi cung ứng…).
Thứ ba: Bổ sung thêm các nhiệm vụ mới đối với các tổ chức của Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực trong việc thực hiện QHĐ VIII.
Thứ tư: Hoàn thiện xây dựng thị trường điện cạnh tranh.
Thứ năm: Xây dựng các cơ chế mới trong đầu tư phát triển điện lực để đảm bảo thực hiện quy hoạch, cơ chế xử lý vấn đề bổ sung quy hoạch sau khi QHĐ VIII được phê duyệt.
Thứ sáu: Xây dựng các cơ chế để thu hút đầu tư, huy động vốn.
Thứ bảy: Xây dựng các cơ chế đảm bảo vận hành hệ thống điện và thị trường điện trong hệ thống tích hợp cao nguồn NLTT biến đổi.
Cơ cấu nguồn điện theo Dự thảo QHĐ VIII:
Cơ cấu nguồn điện tại Bản dự thảo Đề án Quy hoạch điện VIII do Bộ Công Thương trình Chính phủ (tháng 4/2022) đã được Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII thông qua đã đáp ứng chỉ đạo của Bộ Chính chị tại Nghị quyết số 55-NQ/TW và cam kết của Việt Nam về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26.
Theo đó, Viện Năng lượng đã đề xuất Kịch bản chuyển đổi năng lượng với tổng quy mô công suất nguồn điện năm 2030 là 145.185 MW và năm 2045 là 413.054 MW. Trong đó:
1/ Các nguồn nhiệt điện (NĐ) than sẽ chuyển dần sang dùng biomass và amoniac, các nguồn NĐ khí LNG sẽ chuyển dần sang dùng hydrogen.
2/ Loại bỏ 6 dự án với tổng công suất 8.800 MW nguồn NĐ than chưa triển khai (Quỳnh Lập 1 và 2, Vũng Áng 3, Long Phú 2, Long Phú 3, Phả Lại 3, Đảo Bài).
3/ Cân đối 10 dự án với tổng công suất 10.842 MW NĐ than đang xây dựng, 8 dự án/9.650 MW NĐ than đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. NĐ Quảng Trạch 2 chuyển sang dùng LNG.
4/ Không phát triển NĐ than sau 2030, nhiệt điện khí LNG sau 2035.
Trong kịch bản này, có 5 dự án với tổng công suất 6.600 MW NĐ than (bao gồm NĐ Nam Định - 1.200 MW, NĐ Công Thanh - 600 MW, NĐ Quảng Trị - 1.200 MW, NĐ Vĩnh Tân 3 - 1.800 MW, NĐ Sông Hậu 2 - 2.000 MW) có khả năng không vào vận hành đến năm 2030. Do đó, Viện Năng lượng đề xuất đẩy sớm tiến độ 11.200 MW nguồn trong giai đoạn 2031 - 2035 sang giai đoạn 2026 - 2030, bao gồm 6.000 MW nguồn tua bin khí hỗn hợp (TBKHH) dùng khí LNG, 2.200 MW điện gió trên bờ, gần bờ và 3.000 MW điện gió ngoài khơi. Theo đó, tổng quy mô nguồn đến 2030 đạt 156.385 MW và kịch bản này được chọn làm Phương án điều hành.
Nguồn vốn cho phát triển điện lực:
Để đảm bảo đầu tư các dự án điện trong Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), tổng nhu cầu vốn đầu tư cả giai đoạn 2011 - 2020 của EVN là 1.222.045 tỷ đồng (bình quân trên 5 tỷ USD/năm). Tập đoàn đảm bảo thu xếp bố trí nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm. Tuy nhiên, việc huy động vốn để đầu tư các dự án điện của EVN còn gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể:
- Giai đoạn 2011 - 2015:
Việc huy động vốn đầu tư trong giai đoạn này gặp rất nhiều khó khăn, do tác động của khủng hoảng tài chính trên thế giới đã tác động trực tiếp đến tình hình tài chính của Việt Nam. Khối lượng đầu tư nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện VII đòi hỏi nhu cầu vốn quá lớn, trong khi giá điện chưa thu hút đầu tư, tình hình tài chính và hoạt động sản xuất, kinh doanh điện của EVN chịu ảnh hưởng lớn, rủi ro của các yếu tố đầu vào cơ bản như giá nhiên liệu, biến động tỷ giá, cơ cấu sản lượng điện phát, chính sách tín dụng, tiền tệ... nên trong giai đoạn này nguồn vốn tự có của EVN và các đơn vị để đối ứng cho các dự án rất hạn chế.
- Giai đoạn 2016 - 2020:
Tình hình tài chính thu xếp vốn của EVN được cải thiện, trong đó, nguồn vốn tích lũy (vốn tự có) của EVN và các đơn vị được cải thiện, tỷ lệ tự đầu tư đều đạt trên 30% thậm chí có đơn vị đạt trên 50%. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016 - 2020, việc thu xếp vốn của EVN vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt việc thu xếp vốn cho các dự án lớn do hạn chế về trần nợ công nên các dự án điện của EVN không còn được Chính phủ bảo lãnh.
Theo Luật Tín dụng, việc huy động vốn bị hạn chế bởi giới hạn không quá 15% vốn điều lệ của ngân hàng đối với EVN và 25% đối với tất cả các đơn vị thuộc EVN, trong khi đó, hầu hết các ngân hàng trong nước đã vượt hạn mức giới hạn này đối với EVN và các đơn vị của EVN.
Đối với các các nguồn vốn ODA vay ưu đãi nước ngoài: Việt Nam đã chính thức tốt nghiệp IDA từ năm 2017 nên nguồn vốn ODA và tín dụng ưu đãi của các tổ chức tín dụng quốc tế giảm dần. Theo đó, EVN và các đơn vị không thể tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, thời gian vay để đầu tư cho các dự án điện như trong giai đoạn trước đây.
Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII mới nhất, với phương án phát triển điện lực theo Phương án điều hành chuyển đổi năng lượng (Phương án điều hành tháng 4/2022), tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 165,7 tỷ USD, trong đó, cho nguồn điện là 131,2 tỷ USD, cho lưới điện khoảng 34,5 tỷ USD. Như vậy, bình quân mỗi năm cần đầu tư 3,45 tỷ USD/năm trong khi đó thực tế triển khai trong giai đoạn 2011 - 2020, hàng năm EVN và EVNNPT thu xếp chỉ khoảng gần 1 tỷ USD/năm cho đầu tư lưới điện truyền tải. Do đó, rất cần có các cơ chế cụ thể và rõ ràng hơn về xã hội hoá đầu tư, khuyến khích các thành phần tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải.
Trên cơ sở cơ cấu nguồn điện dự kiến được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII, để đáp ứng cung cấp điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn tới, hiện EVN đang thực hiện nghiên cứu các kịch bản phát triển nguồn điện và phương án giải tỏa công suất dưới tác động của các chính sách khuyến kích đầu tư. Trong đó sẽ xem xét nghiên cứu và đề xuất:
Một là: Phân bổ nguồn điện của các kịch bản phát triển nguồn theo khu vực/tỉnh, thành phố.
Hai là: Tính toán lưới điện giải tỏa công suất nguồn điện của các kịch bản phát triển nguồn; danh mục đầu tư lưới điện truyền tải đường trục, xương sống phù hợp các kịch bản phát triển nguồn điện của EVN nói riêng và các thành phần khác nói chung.
Ba là: Khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải. Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực có hiệu lực từ ngày 1/3/2022, quy định “Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực“. Tuy nhiên, chưa có nghị định, thông tư và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền liên quan đến việc việc đầu tư lưới điện truyền tải và các vấn đề khác liên quan như giá truyền tải điện, cơ chế lựa chọn chủ đầu tư, quản lý chi phí đầu tư, vận hành lưới điện truyền tải… Đặc biệt là quản lý nhà nước trong việc kiểm soát, bảo đảm an ninh, an toàn lưới truyền tải điện do thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
- Related news
- 2023-03-12
Related news
Evn Has Completed The Price Bracket For 'Transitional' Solar And Wind Power Sources
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, Cục Điều tiết Điện lực về việc xây dựng khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt t...
2023-03-12
Powering On Operation Of Long Son 110Kv Station In Ba Ria - Vung Tau Province Before The Lunar New Year 2022
Đến nay, dự án Trạm 110 kV Long Sơn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành 80% tổng khối lượng, những hạng mục còn lại Tổng công ty Điện lực miền Nam (E...
2023-03-12
Stabilizing Policies For Renewable Energy
Những lời mời gọi, các chính sách ưu đãi trong những năm gần đây của Chính phủ đã thu hút làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong nước và quố...
2023-03-12
Energize And Put Into Operation The Project To Renovate 110Kv Branch At Intel Station
Tổng công ty Điện lực TPHCM vừa tổ chức thành công đóng điện hoàn thành giai đoạn 1, công trình "Cải tạo nhánh rẽ 110 kV Trạm Intel" vào ngày 30/10/20...
2023-03-12
The Ministry Of Industry And Trade Promulgates The Price Bracket For Electricity Generation Of Wind Power Plants And Transitional Solar Power Plants
Ngày 7/1/2023, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 21/QĐ-BCT ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp....
2023-03-12
City Electricity. Ho Chi Minh City: Speeding Up The Progress Of Tan Cang 220/110Kv Transformer Station
Ngành Điện TP. Hồ Chí Minh đang gấp rút thi công, quyết tâm đóng điện vận hành chính thức công trình Trạm biến áp 220/110kV Tân Cảng trong tháng 12 nă...
2023-03-12